Bệnh Ong và phương pháp phòng trị

1. Bệnh thối ấu trùng châu Âu (Thối ấu trùng tuổi nhỏ)

Tác nhân gây bệnh: Do loại vi khuẩn gây ra, làm thối ấu trùng từ 3-5 ngày tuổi.

Triệu chứng: Màu sắc của ấu trùng thay đổi từ màu trắng sang màu trắng đục, sau đó mấy ngày, càng đậm hơn. ấu

trùng bị doãng ra, mềm nhũn, sau đó thối rữa. Nếu đàn ong bị bệnh nặng, khi mở thùng ong ra thấy có mùi chua. Ong trong đàn hầu hết là ong già, đen, do ấu trùng bị thối nên không có lớp ong non kế tiếp.

Phòng bệnh: Luôn cho ong ăn đủ (có mật vịt nắp), luôn giữ cho đàn ong được ấm áp, quân phủ kín cầu ong.

Điều trị: Có thể sử dụng 1 trong những loại thuốc kháng sinh sau:

– Pha 1 gam (1 lọ) Streptomyxin trong 2 lít nước đường cho 20 cầu ong/tối, cho ăn 3 tối liên tục.

– Pha 1 triệu đơn vị Eromyxin trong 2 lít nước đường cho 20 cầu ong/tối, cho ăn 3 tối liên tục.

– Pha 1 triệu đơn vị Kanamyxin trong 2 lít nước đường cho 20 cầu ong/tối, cho ăn 3 tối liên tục.

– Pha hỗn hợp Streptomyxin (1gam) với 1 triệu đơn vị Penicilin trong 3 lít nước đường cho 30 cầu ong/tối, cho ăn 3 tối liên tục.

Có thể dùng cách phun ở dạng hạt nhỏ. Cứ 2 ngày phun 1 lần để tránh gây xáo động, ong dễ bốc bay. Chú ý phun chéo mặt cầu ong, phun lên ong thợ là chính. Trước khi điều trị nên loại bớt cầu bệnh thì điều trị mới hiệu quả.

2. Bệnh ấu trùng túi (bệnh nhọn đầu)

Là bệnh phổ biến và nguy hiểm nhất trên đàn ong nội nước ta

Tác nhân gây bệnh: Do 1 loại vi rút gây ra, gồm 2 chủng:

– Chủng vi rút Thái Lan: gây bệnh cho đàn ong nội phía Nam.

– Chủng vi rút Trung Quốc: gây bệnh cho đàn ong nội phía Bắc

Triệu chứng:

– Toàn bộ cơ thể ấu trùng bị biến dạng như một cái túi, phía trên nhọn, phía dưới chứa một chất lỏng trong suốt , có màu hơi vàng.

– ấu trùng chết không có mùi chua.

Phòng bệnh: Luôn duy trì chúa đẻ khỏe, đàn ong khỏe, quân bám đầy cầu.

Điều trị: Các thuốc kháng sinh đều không có hiệu lực, chỉ có thể điều trị bằng phương pháp sinh học, cụ thể như sau:

– Thay chúa cũ bằng mũ chúa khỏe hoặc nhốt chúa 7-10 ngày, nhằm làm gián đoạn sản sinh ấu trùng ong.

– Rũ bớt cầu ong bệnh, để ong phủ dầy các mặt cầu. Nếu đàn ong yếu quá, thì nhập các đàn yếu lại với nhau.

– Cho ăn liên tục 3-4 ngày, hoặc chuyển đàn ong bị bệnh đến nguồn hoa mới.

Nguồn: Sổ tay khuyến nông,NXB Nông nghiệp

Nuôi Ong vụ thu đông ở các tỉnh phía bắc

Nhân giống ong trong vụ Thu Đông

Tạo chúa, nhân đàn và xây bánh tổ là 3 khâu gắn liền với nhau trong quá trình nhân giống ong. Thời tiết và nguồn hoa trong vụ thu đông hoàn toàn thuận lợi cho việc nhân đàn, nhất là nguồn phấn phong phú và kéo dài. Nhân giống cũng là một nguồn thu chính của người nuôi ong, muốn nhân giống phải có đủ số thùng ong và phải đầu tư thêm thức ăn.

Thời vụ nhân giống thích hợp với vùng thấp là từ 1/10 đến 30/11, vùng cao kết thúc sớm hơn 1/10 đến 15/11. Từ ngày 25 đến 30/ 11 toàn bộ ong chúa đã đẻ.

– Tạo ong đực: vụ Thu Đông đàn ong thường không tự tạo ong đực, nhất là đầu vụ, ong đực còn lưu lại từ vụ trước thì chất lượng kém cho nên muốn tạo chúa, chia đàn có kết quả thì vụ này người nuôi ong phải chủ động tạo ong đực.

– Tạo ong chúa: tạo ong chúa từ đầu và giữa tháng 10, khi đàn ong đã đủ mạnh và ong đực đã sắp nở. Nếu tạo nhiều chúa và chia đàn quá sớm đàn ong nhỏ phát triển chậm, nhưng nếu trại ong có vài chục đàn thì cũng tìm cách thay chúa hoặc chia một số đàn ong để có đàn chúa mới làm đàn chủ công xây tầng.

Vụ Thu Đông cần tạo ong chúa làm nhiều đợt, đợt sau vừa để sử dụng cho việc thay chúa, chia đàn vừa để bổ sung mũ chúa cho đàn giao phối đợt trước bị mất.

Mỗi đợt tạo ong chúa tính toán số lượng đàn ong chia ra, số đàn cần thay chúa cộng với số mũ chúa để dự trữ mà tạo nhiều hoặc ít và tạo tập trung vào thời điểm thuận lợi. Tránh các ngày “nước rươi”, mưa kéo dài 5 – 7 ngày ảnh hưởng đến việc giao phối của ong chúa.

– Chia đàn song song với việc xây thêm bánh tổ mới. Có chia đàn, tăng số lượng đàn mới tăng được thế đàn ong bằng cách cho xây tầng chân mới và ngược lại có tầng mới, mới có đàn ong mạnh để tiếp tục chia đàn, và sau khi chia đàn ong mạnh hơn và vụ mật đông.

Để chia đàn ong được thuận lợi thì trước khi đặt ong đã phải giành chỗ để chia đàn tức là đặt ong thưa để khoảng cách rộng. Trong vụ Thu Đông có một số đàn chia 2 lần (một thành bốn) cho nên nếu không chuẩn bị trước thì khi chia đàn sẽ gặp khó khăn.

Thời gian đầu có thể dùng đàn 1 cầu để làm đàn giao phối, sau đó tăng cầu nhộng khi ong chúa đã đẻ. Nhưng nói chung trong vụ nên dùng phương pháp chia đều và chia song song vì như vậy dễ điều chỉnh lượng ong và thuận lợi cho việc quản lý, sau khi ong chúa đẻ một tuần có thể xây tầng được.

Sau mỗi đợt chia đàn cần giữ lại một số đàn mạnh để lấy cầu nhộng viện cho đàn chúa mới và dùng làm đàn nuôi dưỡng tạo chúa đợt sau.

Trước khi chia đàn, cũng phải cho ong ăn no, có mật vít nắp vì sau khi chia những đàn ong nhỏ ăn rất chậm hoặc không ăn.

Thay ong chúa trong vụ Thu Đông

Nên thay chúa mỗi năm 1 – 2 lần, dùng ong chúa 6 – 9 tháng tuổi. Thay chúa cuối vụ Thu, vụ Đông ong chúa đẻ tốt và vụ Xuân năm sau ong phát triển tốt ít chia đàn. Vụ Thu Đông có thời gian dài nên thay chúa làm nhiều đợt và tập trung vào lúc thời tiết tốt. Dùng phương pháp chia đàn kết hợp với thay chúa bằng cách nhốt ong chúa đẻ, tách đàn gắn 2 mũ chúa nếu ong chúa giao phối được cả hai con thì giết chúa cũ và chia đàn, được một con thì thay chúa.

Vụ Đông cũng có thể dùng phương pháp thay chúa tự nhiên, bẻ què chân sau hoặc làm xước cánh chúa cũ rồi gắn mũ chúa để đàn ong tự thay thế, bằng cách này vụ Đông có thể có 2 ong chúa cùng đẻ và vụ Xuân đàn phát triển tốt.

Chống rét và hanh khô

Từ tháng 10 trở đi cần chống rét cho ong. Để ong nơi kín gió, tránh hướng bắc và đặt các vật chống rét cho đàn ong, trên trải báo, ngoài ván ngăn đặt các tấm rơm, rạ, lá chuối khô, bao tải, tấm xốp. Đàn trung bình trở lên đặt chống rét ngoài ván ngăn, đàn yếu dồn ong vào giữa chống rét hai bên. Cần chú ý điều chỉnh các dụng cụ chống rét theo tình hình thời tiết và đàn ong, trời ấm nắng phải lấy ra phơi phô và làm vệ sinh thùng.

Ngoài rét, cần phòng chống hanh khô cho đàn ong bằng cách đặt máng nước dưới thùng, tốt nhất là để thùng ong trên thảm cỏ ở quanh trại và tưới nước ở mặt đất. Thời tiết hanh khô và rét, ong chúa tơ nhiều có thể gây bốc bay dây truyền cần phải đề phòng tốt: chia nhiều đợt, kết thúc sớm cho ăn no và lúc nào đàn ong cũng có nhộng, ấu trùng. Ngoài ra vụ Thu Đông thường xuyên tạo ong chúa cho nên cần thay ngay ong chúa ở đàn chớm bệnh, giải quyết triệt để chuẩn bị vượt đông.

Vụ Thu Đông ong thường mắc bệnh ong trưởng thành và bệnh hoa trà, đàn ong nội (A.cerana) không nghiêm trọng bằng ong ngoại (A.mellifera) nhưng cũng bị bệnh rải rác cần chú ý phòng tránh, đặc biệt là sau những ngày mưa rét kéo dài.

Thu mật cuối vụ Thu Đông

Cuối vụ Thu Đông còn có một số cây có thể thu được mật như: cỏ cúc áo, bạc hà sớm, khoai lang… Phần lớn các cây này cung cấp mật cho ong đủ ăn nhưng nếu đặt ong ít, thời tiết tốt thì vẫn thu được mật. Khi thu mật cần kết hợp với việc chia đàn, xây tầng và chống rét nên áp dụng phương pháp quay tỉa, chọn những cầu nhiều mật để thu, cần quay mật trong phòng đề phòng ấu trùng bị chết lạnh.

Vụ Thu Đông là mùa bắt ong nên người nuôi ong luôn luôn điều chỉnh đàn ong của mình và nuôi đàn ong tốt để không bị hấp dẫn bởi những đõ ong đặt hánh quanh vùng.

Nguồn: Nông thôn ngày nay

Kinh nghiệm bắt và gây đàn ong tự nhiên

Nuôi ong mật được gây dựng từ nguồn ong trong tự nhiên thực sự cho hiệu quả kinh tế rất cao. Để bắt và gây đàn từ nguồn ong rừng, bà con có thể tham khảo kinh nghiệm sau:

– Đặt hãnh: là cách mà bà con nông dân các tỉnh miền Bắc thường làm vào các tháng cuối năm(tháng 11, 12) để đón lõng các đàn ong di cư tránh lạnh đi tìm nơi ở mới từ các vùng núi cao xuống các vùng đồi thấp hoặc đồng bằng trước khi chia đàn vào tháng 3,4.

Cách làm như sau:

+ Chuẩn bị các đõ ong, thùng ong sạch sẽ, kín và khô ráo, tốt nhất là dùng các loại gỗ khô, mới như gỗ mít để làm đõ thì ong rất thích tìm đến để làm tổ.

+ Dùng sáp ong đun chảy đổ vào đõ để có mùi thơm hấp dẫn ong mau về hơn.

Có thể treo các đõ ong xung quanh nhà hoặc đặt dưới các gốc cây to độc lập ở trong rừng hoặc ở các hang đá nơi có nhiều ong soi. Khi ong đã về ổn định trong đõ thì mang về nhà nuôi.

– Bắt ong bay: Khi phát hiện thấy đàn ong bay thấp ngang qua, dùng đất, cát, quần áo tung lên nép vào đàn ong làm chúng hạ thấp độ cao và tìm nơi đậu tạm, thường là ở các cành cây thấp. Chờ cho đàn ong đậu ổn định, nhẹ nhàng vạch tổ tìm bắt ong chúa buộc vào chóp nón lá. Chỉ một lúc sau cả đàn sẽ quây tụ lại theo ong chúa vào nón, sau đó đem về tiếp tục buộc ong chúa vào đõ, thùng ong ít hôm. Khi thấy ong đã ổn định vào ra, đi kiếm hoa, lấy mật thì thả ong chúa. Những ngày đầu có thể cho ong ăn thêm bằng cách pha nước đường hoặc mật ong cho ong quen dần.

– Bắt ong trinh sát (còn gọi là ong so đõ): Tức là các con ong thợ được cử đi trinh sát, tìm nơi làm tổ mới thích hợp rồi báo cho cả đàn di chuyển. Khi thấy ong soi đõ (thường bay dọc theo cột, vách nhà từ trên xuống dưới hoặc từ dưới lên, ong bay chậm, đôi chân thứ 3 buông thõng xuống, khi bay thường phát ra các âm thanh to hơn các ong khác) thì dùng vợt làm bằng vải màn hoặc lưới nhỏ để bắt đem thả vào đõ, thùng ong đã chuẩn bị sẵn từ trước rồi nút kín cửa tổ lại trong khoảng 15- 20 phút, sau đó thả ra. Nếu ong trinh sát ưng ý tổ mới thì một vài ngày, thậm chí sau vài giờ cả đàn đã theo ong trinh sát kéo đến nơi ở mới.

Nguồn: http://thvm.vn

Khắc phục hiện tượng ong bốc bay

Khi ong bốc bay, ong chúa và toàn bộ đàn ong bỏ tổ bay đến nơi ở mới. Hiện tượng ong bốc bay làm giảm số đàn ong trong vườn, giảm sản lượng mật, kích thích đàn ong khác bay theo làm trại ong mất ổn định và làm giảm thu nhập của người nuôi ong.

Để phòng chống hiện tượng ong bốc bay bà con cần nhận biết sớm một số triệu chứng điển hình của đàn ong sắp bốc bay như sau:

Vào buổi sáng ong đi làm kém, có rất ít hoặc không có ong lấy phấn trong khi đó các đàn ong khác đi làm tấp nập. Mở thùng kiểm tra bên trong thấy hiện tượng không có mật, không phấn và không con. Ong trưởng thành không bám cầu mà đậu vào thành thùng hoặc ván ngăn còn gọi là hiện tượng ong treo. Trước khi bay, ong chúa giảm đẻ 10-15 ngày, bụng nhỏ lại. Ong thường bốc bay vào những ngày tạnh ráo khoảng 8-16 giờ, chủ yếu vào 9-11 giờ. Khi chuẩn bị bay, ong chuyển động ầm ầm dưới tín hiệu của ong trinh sát. Ong thợ bay ra ngoài qua cửa tổ và các khe hở của thùng. Ong chúa bay ra sau khi 2/3 ong thợ bay ra.

Sau 2-3 phút toàn bộ đàn ong bay ra khỏi tổ và bay nhằng nhịt trên không trung, một vài phút sau đó bay thẳng đến nơi ở mới.

Biện pháp phòng hiện tượng bốc bay: Giữ cho đàn ong luôn đủ thức ăn bằng cách, vòng mật cuối không quay hoặc chỉ quay tỉa. Cho ăn bổ sung vào thời kỳ không có cây nguồn mật nở hoa (tháng 7, 8, 9, 1, 2). Đặt ong đúng kỹ thuật. Phát hiện và phòng trị bệnh kịp thời. Trường hợp phát hiện thấy ong sắp bốc bay phải lập tức viện một cầu còn mới có đủ mật, phấn, nhộng (lấy từ đàn khoẻ). Có thể nhốt chúa lại một vài ngày. Tối cho ong đi ăn nước đường.

Kinh nghiệm xử lý khi ong bốc bay: Nếu thấy ong bắt đầu bay (ong chúa chưa ra) thì nhanh chóng lấy nón bắt ong bay hứng ngay trước cửa tổ. Trường hợp không kịp lấy nón thì lấy đất ướt vít lỗ tổ và những khe hở không cho ong ra.

Nếu ong đã bay ra đang lượn trên trời thì dùng đất, cát, nước… tung lên hoặc dùng sào có cuốn giẻ ở đầu khua vào chỗ có nhiều ong. Ong sẽ hạ độ cao đậu lại. Dùng nón bắt ong bắt lấy mang về treo ở chỗ tối và mát. Đồng thời kiểm tra đàn ong tìm hiểu nguyên nhân bốc bay.

Chuẩn bị thùng, ván ngăn, khoảng 19 giờ tối đổ ong vào thùng đã viện thêm cầu mới có đủ tiêu chuẩn, đuổi ong bám vào cầu viện. Cho ong ăn thêm. Hôm sau kiểm tra bên ngoài thấy ong đi lấy mật nhiều là đàn ong đã ổn định. Để yên tĩnh 2-3 ngày kiểm tra ong chúa.

Người mới nuôi nên cắt bớt 1/3 cánh chúa để khi ong chia đàn bốc bay không bay xa. Không được cắt cụt mà cắt chéo ở phần ít gân cánh.

theo http://www.vietnamgateway.org

Kinh nghiệm nuôi ong mật đạt hiệu quả cao

Dụng cụ nuôi ong và lấy mật

Thùng nuôi ong: Trước đây, ong được nuôi trong đõ. Đõ ong là khúc thân cây rỗng có đục lỗ cửa cho ong ra vào, trong đõ đặt các bánh tổ, trên đõ có nắp đậy. Hiện nay theo phương pháp nuôi ong mới, ong được nuôi trong các thùng gỗ có sơn các màu xanh, vàng hay trắng vừa để chống ẩm, vừa để ong dễ nhận biết tổ.

Thùng quay mật: Dùng để quay lấy mật ong. Thùng quay mật thiết kế hình trụ, làm bằng thép không gỉ, bên trong thiết kế bộ phận đặt cầu bánh tổ ong, bộ phận quay ly tâm. Khi quay, mật ong từ các cầu văng ra ngoài, bắn lên thành thùng và được thu lại ở dưới đáy thùng.

Đặt thùng ong ở chỗ cao ráo có bóng mát, cửa tổ của thùng quay về hướng nam để tránh ánh nắng, tránh rét. Thùng đặt cách mặt đất 30cm, các thùng cách nhau 3-4m. Mỗi thùng đặt 7 -10 cầu ong là vừa.

Chăm sóc đàn ong

Thức ăn chính của ong là mật và phấn hoa tự nhiên, do đó phải đặt thùng ong ở nơi có nguồn hoa phong phú. Vào thời gian địa phương thiếu nguồn hoa tự nhiên hay những ngày thời tiết không thuận lợi, ong không thể rời tổ tìm thức ăn được thì phải cho ong ăn nước đường có bổ sung via- min. Cần che chắn cẩn thận không để mưa gió táp vào thùng ong.

Thay bánh tổ ong mới

Qua nhiều thế hệ ấu trùng nên các bánh tổ cũ bị đen bẩn do tích chứa phân, ong chúa không thích đẻ vào tổ cũ như vậy, ta cần thay bánh tổ mới. Hiện nay các cơ quan chuyên môn nuôi ong đã nghiên cứu chế tạo được các cầu ong in sẵn chân nền bằng sáp khử trùng đúng tiêu chuẩn để đặt vào thùng cho đàn ong xây tổ mới nhanh chóng. Ong chúa rất thích đẻ trứng vào bánh tổ ong mới này làm hệ số nhân của đàn tăng nhanh hơn.

Hiện tượng sẻ đàn tự nhiên và cách xử lý

Khi ong chúa đẻ mạnh, số lượng ong trong đàn đông đúc, nguồn thức ăn bên ngoài dồi dào, mật và phấn hoa tích trữ trong các tổ dư thừa, đàn ong sẽ xây mũ chúa mới và sẻ đàn tự nhiên, người nuôi ong sẽ có thêm một đàn ong mới. Song nhiều khi nguồn thức ăn thiếu, tổ ong nóng bức, ong chúa đẻ kém, trứng nở nhiều ong đực mà đàn ong cũng tạo mũ chúa mới để sớm sẻ đàn. Lúc này tuy  được thêm đàn mới song cả hai đàn cũ và mới đều thiếu sinh lực, chóng suy tàn, khả năng tạo mật ong kém, gây thiệt hại cho người nuôi. Trong trường hợp này cần cho đàn ong xây thêm cầu mới để ong chúa có nơi đẻ trứng, tổ không chật chội; cắt bỏ bớt lỗ tổ ong đực ở các góc bánh tổ; thay thế ong chúa, bổ sung nguồn thức ăn cho đàn ong và tiến hành chống nóng, chống rét cho tổ ong.

Tạo ong chúa và nhân đàn

Người nuôi ong cần luôn kiểm tra để duy trì con ong chúa tốt cho mỗi đàn. Khi ong chúa già cần được thay thế bằng cách kích thích để đàn ong tự tạo ong chúa mới hoặc đưa mũ ong chúa tốt từ đàn ong khác sang. Ong chúa tốt có thân hình lớn, đẻ đều, đẻ nhiều trứng hàng ngày, tỷ lệ trứng thụ tinh cao. Khi đàn ong đã phát triển đông đúc, chủ động tạo thêm mũ chúa để đàn ong sớm sẻ thành 2 đàn một cách tự nhiên.

Báo Nông thôn số 139

Nuôi ong mật ở miền núi

Đặt thùng nuôi ong

Thùng nuôi ong làm bằng gỗ xoan, vải, nhãn, mít… và phải đóng theo loại thùng đỡ cải tiến để có thể thường xuyên kiểm tra, vừa để dễ lấy mật, dễ sang đàn… Thùng được đặt theo hướng đông nam, mùa đông chống lạnh, mùa hè có bóng cây che mát. Tránh để gần nơi có máy xay xát, nơi quay mật mía, kho đường, kho chứa thuốc trừ sâu…
Một đàn ong tốt phải có chúa tốt, không quá già. Tuổi thọ ong chúa khoảng 2- 3 năm. Nuôi ong vào tháng 3, 4 và cuối tháng 5 thì quay mật, từ tháng 6, 7, 8, 9 (là những tháng hiếm hoa) có thể cho ong ăn bổ sung bằng đường. Xử lý khi ong bốc bay, chia đàn ong bốc bay (suy thoái, tan vỡ) là do trong tổ thiếu thức ăn (không mật, không phấn và không con). Bánh tổ quá cũ, bị các kẻ thù phá hoại như ong rừng, thạch sùng, nắc nẻ… vào tổ quấy rối, hoặc tổ đặt không thích hợp (quá nóng, quá lạnh, bị chấn động, khói bếp…). Để giữ được ong không bốc bay, hãy cho ong ăn thêm đường, hoặc lấy một tầng có mật, có nhộng ở tổ khác bổ sung cho các tầng cũ. Khi ong bốc bay, hãy té nước, tung cát, nón, áo vào giữa đàn, buộc vải vào cây nứa làm cờ quay vào giữa đàn gạt cho ong xuống thấp, buộc ong hạ thấp dần và tìm cây để đậu. Khi bắt ong bốc bay, thường có hai người, một người làm như trên, còn một người có khả năng nhanh tay, tinh mắt, ngồi cạnh cửa, thấy ong chúa bò ra cửa là tóm lấy ngay. Ong chúa bao giờ cũng bò ra sau, thường khi đàn ong ra hết 3/4 ong chúa mới bò ra. Khi bắt được ong chúa, cho vào lồng rồi buộc vào tổ cũ. Ong thợ ra, không tìm thấy ong chúa, lập tức cả đàn lại bay về tổ cũ. Cho ong ăn đều trong hai đến ba đêm, thấy ong thợ đi làm rồi mới thả ong chúa ra.
Ong chia đàn là những đàn ong tốt, đông quân, đầy nhộng, mật, ong thợ đi làm về tấp nập, vui mắt. Nhưng cũng có những lý do khách quan hoặc chủ quan mà buộc ong phải chia đàn như: thùng, đõ hẹp, quân đông, nhiệt độ trong đó quá cao (trên 36oC), hoặc bị thường xuyên đến quấy rối… cũng làm cho ong chia đàn. Khi chia đàn chúa già đi, còn chúa non và ong thợ non ở lại. Trước khi đi, chúa và ong thợ già bao giờ cũng chuẩn bị lương thực đầy đủ cho đàn ở lại ăn.
Hàng tuần mở nắp kiểm tra, thấy có mũ chúa, chủ động chia đàn bằng cách để đõ mới vào vị trí đõ cũ, nhích đõ cũ sang một bên khoảng 13 cm rồi lấy tầng có mật, có nhộng, có mũ chúa của đõ cũ đưa sang đõ mới. Trong một hoặc hai ngày cả hai đàn đi về có mật, phấn hoa, tách đõ mới ra xa dần, khoảng cách độ 2 m hoặc hơn. Cách chia đàn như trên là chủ động nhất, dễ làm nhất, chỉ cần một người cũng có thể làm được.

Thời gian quay mật

Hãy tiến hành quay mật vào buổi sáng. Dụng cụ lấy mật gồm có: Máy quay mật (máy ly tâm), dao cắt nắp, mâm, thùng chứa mật, lưới che mặt, thau nước, dây buộc… Khi quay cần hai người, một người mở nắp, nhắc cầu, rũ hết ong xuống thùng, rồi chuyển cho người quay. Người quay dùng dao sắc, hớt nhẹ nắp vít mật ở tầng, rồi đặt các cầu đã cắt nắp vào khung của máy ly tâm, quay đều tay với tốc độ tăng dần. Các cầu mật quay xong trả về đó và tiếp tục lấy hết các tầng ở trong tổ ra quay. Sáng tháng thứ 6 đến tháng 9, 10, không lấy mật và cần cho ong ăn bổ sung (một đường một nước) giữ cho đàn ong không bốc bay.

Theo Báo Nông thôn ngày nay